Đồng hành cùng Phong trào con đường Việt Nam!

 Kính gửi:          – Ban sáng lập Phong trào con đường Việt Nam

– Ban giám khảo cuộc thi “Quyền con người và tôi”

Tôi là Phương Nam – Đỗ Nam Hải, đang phát biểu từ thành phố Sài Gòn, Việt Nam.

Vừa rồi rảnh rỗi vì đang thất nghiệp do chính quyền đàn áp, lang thang trên mạng thì được biết quý vị đang tổ chức cuộc thi viết về quyền con người. Với tinh thần nối vòng tay lớn, thắt chặt tình thâm giao, thay mặt cho Khối 8406 tôi chính thức gửi tới quý vị bài dự thi sau đây. Hy vọng quý vị đủ trình độ để đọc và hiểu được những gì tôi viết.

 

Bài dự thi “Quyền con người và tôi”

Thí sinh: Phương Nam – Đỗ Nam Hải (Thành viên Ban đại diện Phong trào Khối 8406)

Quyền con người của tôi đã bị vi phạm trên đất người như thế!

 

Tôi đã bắt đầu cảm nhận và thẩm thấu về giá trị nhân quyền (quyền con người) từ những ngày theo vợ qua Australia làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ. Trong những tháng ngày ấy, vợ tôi thì tối ngày bận bịu với công việc nghiên cứu, hội thảo, toạ đàm, tìm tư liệu tại thư viện, còn tôi khá rảnh rỗi. Trước khi qua Australia, tôi đã xác định tư tưởng rằng “của vợ, công chồng”, nếu vợ tôi đạt được hoài bão, vinh quy bái tổ, trở về Việt Nam … thì tôi cũng có công một phần trong cái văn bằng Tiến sỹ ấy; đồng thời, là một người luôn có tư tưởng tiến thủ, tôi mong muốn qua quãng thời gian ấy trên đất nước Australia với thời gian khá dài (07 năm) là cơ hội tốt để tôi có thể sử dụng tiếng Anh nhuần nhuyễn như tiếng mẹ đẻ.

Tôi đã âm thầm thực hiện giấc mơ ấy.

Hằng ngày, để vợ yên tâm đèn sách, tôi đi chợ, nấu ăn, chăm lo mọi việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, giặt giũ… ban ngày, những lúc vợ đi vắng, tôi nhanh chóng hoàn tất công việc trong nhà rồi tạt vào casino làm vài ván. Là học sinh chuyên toán, từng học xong chương trình cử nhân ngành ngân hàng nên tôi không mấy khó khăn để tính toán những sai số trong casino, vì thế trong một thời gian ngắn các sòng casino trong khu vực đã biết đến tên tuổi tôi là một tay chơi bất bại. Cứ thế, lúc đầu chỉ giải trí vài ván rồi về, càng về sau tôi thấy kiếm tiền dễ quá nên say sưa với thú đỏ đen đầy trí tuệ này. Nhiều hôm mải chơi, quên mất giờ về nấu cơm cho vợ ăn. Vừa đẩy cửa vào nhà đã bị vợ mắng té tát. Những câu mắng ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ nhưng thật ngại nếu phải kể ra đây. Tôi biết lỗi, nhưng bị chạm tự ái là đang ăn bám vợ nên tôi đã phản ứng mãnh liệt. Tôi nói cho cô ấy biết rằng, cái đích của cô ấy khi kiếm tấm bằng Tiến sỹ cũng là để kiếm tiền và kiếm danh phận trong xã hội. Với tôi, tôi chẳng cần đến cái bằng ấy, nhưng tôi cũng có thể có được những thứ đó một cách dễ dàng bằng trí tuệ của mình. Tôi dốc túi, đổ ra từng xấp tiền khiến vợ tôi tròn xoe mắt, há hốc miệng nhìn. Sau khi biết số tiền tôi có được từ casino, cô ấy lẳng lặng vào phòng sau khi ném lại một câu: “Anh hãy nhớ chưa ai làm giàu nhờ đi đánh bạc cả”.

Lúc đó tôi rất tự đắc, nghĩ bụng: “Để xem, rồi cô sẽ sáng mắt ra cho xem!” và mơ đến giấy mơ là Triệu phú.

Từ đó, tôi tự giải phóng mình ra khỏi những công việc nội trợ đáng hổ thẹn, tôi dành nhiều thời gian hơn cho casino và dance hall. Khi có tiền, tôi trở nên sành điệu ăn chơi trên đất bạn, tôi thầm nghĩ mình phải làm cho người Úc phải nể trọng người Việt, không thể để họ mãi xem thường. Vì thế, các món ăn chơi tôi đều trải qua và rất lấy làm hài lòng với các khoản thể hiện bản lĩnh theo kiểu “trả thù dân tộc”, tôi phải khiến người Úc phục vụ mình như giới quý tộc của họ…

…Nhưng những ngày hạnh phúc ấy của tôi chẳng được lâu. Dần dần, những phép tính và khả năng phán đoán sai số của tôi không còn mầu nhiệm, tôi bắt đầu thua, có hôm thua đến cháy túi…  tôi thất thểu về nhà mà không hiểu mình đã sai thế nào. Những lúc đó, nhìn ánh mắt trách móc của vợ tôi, tôi càng bực dọc, cảm giác như chính cô ấy là nguyên nhân của những thất bại của tôi, tôi hoang mang và bắt đầu tin vào những điều mà người ta gọi là “mê tín”.

Sau cuộc tranh luận “bước ngoặt” của đời tôi, biến tôi từ tay nội trợ nghiệp dư thành tay chơi casino chuyên nghiệp thì tình cảm vợ chồng tôi cũng rạn nứt. Tôi là một con người, tôi phải có quyền quyết định và làm những gì tôi thích chứ? Tại sao tôi lại phải đi phục dịch người khác, mà đó lại là vợ mình chứ? thật ngược đời. Cứ nghĩ đến đó là sự tức tối trong tôi lại bùng lên. Tôi và vợ đã ly thân từ lúc nào không biết.

Chẳng bao lâu, những đồng tiền trong túi tôi lần lượt “đội nón ra đi”, số tiến thắng bạc đã đành mà ngay số tiến dấu vợ từ việc bán căn nhà của hai vợ chồng ở Việt Nam cũng bay theo sòng bạc và các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Cái ngày đáng nhớ nhất của tôi là ngày mà bị đám du côn casino khiêng vứt ra ngoài vì hết tiền nhưng muốn chơi tiếp. Tôi cảm thấy nhục nhã và ê chề vì bọn chúng dám xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền con người của tôi. Tôi là công dân một quốc gia tự chủ, đến đây đường hoàng bằng hộ chiếu và chính thức qua cửa khẩu của họ, bước qua cổng chào trang hoàng lộng lẫy và trang trọng in dòng chữ “Wellcome to!”… vậy mà họ dám xem tôi như con vật, vứt ra đường không thương tiếc chỉ vì tôi thua bạc sao, chỉ vì hết tiền mà từ một con người được chào đón trở trành một con vật bị vứt đi? Sự lịch sự, văn minh của họ bỗng chốc đâu hết rồi? Nhớ lại những ngày tôi bắt đám người Úc phục vụ mình thầm nghĩ: Hãy đợi đấy, có ngày chúng mày sẽ lại bò dưới chân tao mà nhận tiền TIP thôi, đồ chó!

Tôi trở về nhà, vợ tôi ngồi đọc sách ở salon, nhìn bộ dạng lúc đó của tôi, chắc cô ấy cũng hiểu. Cô ấy chỉ nhắc tôi, “anh hãy xem lại mình đi trước khi quá muộn”. Nhưng lúc đó đầu óc tôi cứ ong ong bởi sự tức tối nên càng tin rằng chính cô ấy, vì cô ấy trù ẻo nên tôi mới nên cớ sự, mới thảm hại như thế này. Tôi hét to: “Mặc kệ tôi! Tôi thế này chắc cô vui lắm nhỉ?”

Tôi có người anh trai là Tiến sỹ Toán đang cùng gia đình lập nghiệp ở Melbourne. Từ ngày theo vợ qua đây chúng tôi chỉ vài lần gặp nhau vì ai cũng bận. Những lần đó chỉ đủ để hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống của họ và cố che dấu không để họ nghi ngờ về sự sứt mẻ giữa vợ chồng tôi. Nay đời tôi thảm bại thế này, tôi nghĩ chỉ anh em mới có thể giúp nhau nên quyết định tìm gặp anh ấy. Tôi đã đón tàu đi Melbourne để gặp anh ấy. Tối hôm ấy, sau khi thăm hỏi xã giao và ôn kỷ niệm, tôi mạnh dạn bộc bạch, kể cho anh ấy về những thành công và thất bại những ngày trên đất Australia, ngỏ lời nhờ anh ấy hỗ trợ một ít tài chính để tôi có cơ hội đòi lại những gì đã mất. Nghe xong, anh ấy chỉ cuời, và nói: “Thôi, tiền đã mất, không thể đòi lại được đâu, cứ xem như đây là một bài học để sửa mình.” Nói xong, anh ấy đứng dậy tiến đến bàn làm việc rút một xấp giấy A4 và cây bút, quay lại bên tôi, với kinh nghiệm của một giảng viên Toán, anh đã chỉ cho tôi thấy những phán đoán, tính toán của tôi trước  nay chỉ là một sự ăn may và không có cơ sở vững chắc gì để chiến thắng tại casino được. Là học sinh chuyên Toán nên tôi nhanh chóng hiểu ra và ê chề nhìn lại mình: Mình ngốc thật!

Về nhà, tôi kể lại cho vợ nghe không quên hứa với cô ấy sẽ từ bỏ casino để trở về làm nội trợ. Cũng may vợ tôi tính vốn không hẹp hòi, sau khi giáo huấn tôi thêm vài điều thì cô ấy cũng bỏ qua và tôi lại trở về với cuộc sống như những ngày đầu mới đến Úc.

Qua những gì đã xảy ra với mình tại Australia, tôi rút ra một điều rằng: Nhân  quyền không ở đâu xa, nó là những gì quanh ta mỗi ngày. Có hay không có nó, không phải do ai quyết định thay mà bằng chính sự quyết định của chúng ta ngay hôm nay và chỉ khi ta tự hài lòng với chính nó.

Comments on: "QCN@T000005- Quyền con người của tôi đã bị vi phạm trên đất người như thế!" (4)

  1. Thảo Nguyên Xanh said:

    Bài quá hay! đọc mà thấy thương anh Hải quá!

  2. Thằng này mà thương cái giề. Cha mẹ là đảng viên, anh chị là đảng viên, ngay ông anh không là đảng viên ở Úc cũng không đổ đốn như hắn, túng quẫn làm bậy.
    Một gia đình đông con, một đứa sinh tật cũng là lẽ thông cảm thôi. Theo quan niệm dân gian là ĐNH đang chịu nghiệp chướng thay cho cả gia đình để những người khác được phát triển. Mà đúng thiệt. Nhà ĐNH chỉ có mình y là gần 50 rồi còn như thằng oắt choai, vô công rồi nghề, phá làng phá xóm… cái nớ mới gọi là đáng thương thôi!

  3. Với tính cách của ĐNH thì ngay cả những người thân trong gia đình cũng không chịu nổi. Tên này tuy lắm tài nhưng cũng nhiều cái tật. Ngông cuồng, tự cao tự đại, ưa làm những chuyện phiêu lưu nghịch đời kèm theo sự ảo vọng. Đánh thắng được mấy ván bài mà đã mơ thành tỷ phú….

  4. Hahahahah!Bây giờ mới biết khởi nguồn của một nhà dân chủ như Đỗ Nam Hải lại nhục nhã như vậy đó! Đúng là “ăn bám” váy vợ mà đòi đi “trả thù dân tộc”. Đọc xong “đoạn tiểu sử” này, không biết có ai còn tin những gì Đỗ Nam Hải đã làm cho phong trào dân chủ trong nước nữa ko?

Gửi phản hồi cho Tiểu Ka Ka Hủy trả lời